Nhà thờ Tổ xây dựng không phép của Hoài Linh sẽ bị xử lý thế nào?
Theo luật sư, hành vi của ông Linh đã vi phạm quy định về trật tự xây dựng, sẽ bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm trật tự xây dựng theo quy định của Luật xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Sáng 25.2, ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Phó chủ tịch phụ trách xây dựng và đô thị UBND quận 9 (TP.HCM) xác nhận trên báo Thanh Niên, công trình nhà thờ tổ nghiệp của nghệ sĩ hài Hoài Linh xây dựng ở quận này do không có giấy phép xây dựng nên đã bị lập biên bản, xử phạt hành chính 6,2 triệu đồng.
Theo quyết định xử phạt của UBND quận 9, ông Hoài Linh tổ chức thi công ba hạng mục công trình không phép với tổng diện tích hơn 500 m2, gồm các hạng mục như mái ngói, tiểu cảnh, vách cây, cột cây…
Do công trình xây dựng của nghệ sĩ Hoài Linh xây trên đất nông nghiệp và không có giấy phép xây dựng nên buộc phải đình chỉ thi công để bổ sung các thủ tục pháp lý liên quan như chuyển mục đích sử dụng đất và giấy phép xây dựng.
Để làm rõ các vấn đề pháp lý liên quan đến việc xây dựng nhà thờ tổ của nghệ sĩ Hoài Linh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Công trình nhà thờ tổ của nghệ sĩ Hoài Linh từng bị xử phạt vì không có giấy phép xây dựng. Ảnh Thanh Niên. |
Theo luật sư Cường: Hành vi của ông Linh đã vi phạm quy định về trật tự xây dựng, sẽ bị xử lý hành chính về hành vi vi phạm trật tự xây dựng theo quy định của Luật xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hành vi xây dựng nhà trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng đất có thể bị xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Cụ thể, quy định như sau:
" Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng;".
Theo quy định pháp luật thì đất nông nghiệp là sử dụng vào mục đích trồng trọt, đất này không phải nơi để xây dựng nhà, kể cả nhà thờ. Vì vậy, hành vi xây dựng nhà trên đất nông nghiệp và vi phạm quy định tại điểm a, khoản 7, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP mức phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng như đã nêu ở trên.
Cũng cần lưu ý là hành vi xây dựng không có giấy phép khác với hành vi xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng. Nếu xây dựng công trình trên thửa đất được phép xây dựng (xây nhà ở trên thửa đất thổ cư, hoặc xây dựng cơ sở kinh doanh trên đất phi nông nghiệp...) nhưng không xin cấp giấy phép trong trường hợp bắt buộc phải cấp giấy phép thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 6, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP, mức xử phạt là "Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị".
Còn đối với hành vi xây dựng nhà không có giấy phép trên loại đất nông nghiệp không được phép xây dựng sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 7, Điều 13, Nghị định 121 với mức xử phạt từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Nếu thửa đất trên thuộc khu vực đã quy hoạch là đất ở, đô thị thì mới có thể được chuyển mục đích sử dụng đất. Sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất thổ cư, đất phi nông nghiệp thì chủ sử dụng đất mới thực hiện được thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng.
Đối với hành vi vi phạm trật tự xây dựng thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định nêu trên thì chủ đầu tư công trình còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Nghị định 121/2013/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
"3. Các biện pháp khắc phục hậu quả:
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường;
c) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính;
đ) Buộc phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị (sau đây viết tắt là Nghị định số 180/2007/NĐ-CP);
e) Các biện pháp khác được quy định tại Nghị định này.".
Như vậy, với quy định pháp luật nêu trên thì công trình xây dựng của ông Linh có thể bị áp dụng quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 5, Nghị định 121/2013/NĐ-CP để buộc phá dỡ công trình xây dựng không phép.
Còn theo ông Tuấn Anh - Phó chủ tịch phụ trách xây dựng và đô thị UBND quận 9 (TP.HCM) thì: "Hiện nay đang làm hướng dẫn để cho nghệ sĩ Hoài Linh chuyển mục đích sử dụng nên chưa bàn câu chuyện dỡ bỏ gì cả. Chúng tôi đang xem xét. Quan điểm của quận giải quyết sự việc theo đúng pháp luật”, ông Tuấn Anh nói.
0 comments:
Post a Comment