Tổng Công ty ĐSVN vừa áp dụng công nghệ phun vữa bê tông phun khô, đó là dùng kết cấu bê tông phun dày 10 - 15 cm kết hợp với thanh neo và lưới thép gia cố bề mặt mái ta luy dương cho 3 hạng mục 35, 36 và 41b. Và lần đầu tiên, những kỹ sư, công nhân Việt Nam đã áp dụng thí điểm thành công công nghệ hiện đại này trên công trình: “Gia cố đường sắt khu vực đèo Hải Vân” theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ.
Công tác chuẩn bị
Kỹ sư Ngô Đình Tiến - Tư vấn giám sát Ban 2 cho hay: Việc chuẩn bị được trình tự như sau: kho trung chuyển được đặt tại ga Lăng Cô gồm: bãi tập kết sân phơi cát đá, nhà kho chứa cấp phối cốt liệu khô và xi măng. Tiếp đến là sản xuất cấp phối cốt liệu khô, cát, đá được phơi để có độ ẩm đạt 4%, sàng bỏ các chất bẩn, chọn đúng kích cỡ thành phần hạt của cát đá theo thiết kế. Trộn và đóng gói cấp phối cốt liệu khô rồi đóng vào bao xếp bảo quản trong kho có mái che.
Tập kết xi măng đưa về kho trung chuyển xếp bảo quản trong kho có mái che. Sản xuất neo thép D25 tại xưởng cơ khí Xí nghiệp công trình 875 tại Nam Ô. Tập kết các loại vật liệu khác gồm lưới thép, thép neo, vật tư thi công tại kho trung chuyển. Thiết bị phun bê tông được tập kết tại ga Kim Liên, vận chuyển bằng tàu đến công trình.
Mặt bằng khu vực phun bê tông phun khô phải phát cây cỏ, đào gốc, thu dọn cỏ rác đưa ra ngoài; đào bỏ lớp đất mùn, phá đá nứt nẻ, san tạo mặt bằng mái ta luy. Sau đó, khoan tạo lỗ và lắp đặt neo: dùng thước dây căng ngang dọc theo ô vuông 250x250cm, đóng cọc để định vị xác định vị trí tim lỗ. Căn cứ cọc tim tiến hành khoan và lắp đặt neo. Công tác khoan tạo lỗ sử dụng máy khoan đá hơi ép, trộn và bơm vữa vào lỗ bằng máy trộn, máy bơm chuyên dụng, lắp đặt neo vào lỗ bằng thủ công.
Quy trình phun vữa bê tông phun khô
Theo kỹ sư Nguyễn Tiến Hải, Trưởng phòng kỹ thuật Ban QLDAĐSKV2: Trước khi thực hiện công nghệ phun BT khô, Ban QLDA ĐSKV2 đã chỉ đạo nhà thầu thi công xây dựng, lập và bảo vệ phương án tổ chức thi công nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn và tiến độ công trình. Trình tự phun gồm 2 đợt: Đợt 1 phun nước tạo ẩm và làm sạch bề mặt gia cố, phun lớp đệm bằng bê tông (BT) M150 dày 5cm. Tiếp đó lắp đặt lưới thép trên toàn bộ mặt lớp đệm. Đợt 2 phun lớp mặt 10cm BT M250: phun 2 lần mỗi lần 5cm, sau khi phun lần 1 xong, quay lại phun lần 2 tiếp theo.
Thao tác trong dây chuyền: máy trộn liên hoàn, hệ thống băng chuyền, máy bơm nước, hệ thống mâm quay của máy phun ALIVA sử dụng năng lượng điện lấy từ máy phát điện loại 105 KVA hoặc loại 125 KVA. Đẩy hỗn hợp cốt liệu khô và phun bê tông bằng khí nén lấy từ bình chứa khí nén. áp suất khí nén tại đầu vòi (tại van mở khí nén bình xi lô) phải đạt 7atm, tới cuối vòi (đầu phun) còn lại 3 - 4atm.
Quá trình vận hành, cho máy phát điện, máy nén khí vận hành ổn định, kiểm tra đồng hồ trên tủ điện đạt điện áp 380v, tần số 50hz, đồng hồ áp suất trên bình khí nén đạt áp suất 7atm thì cho máy trộn và máy phun vận hành không tải ổn định; tiến hành đổ xi măng, phụ gia và cấp phối cốt liệu khô vào máy trộn liên hoàn, hỗn hợp cấp phối cốt liệu khô sau khi trộn đều được xả vào băng chuyền, đổ vào máy phun ALIVA; đồng thời cho máy bơm nước hoạt động.
Mở van, khí nén bình xi lô, khí nén sẽ đẩy hỗn hợp cốt liệu khô trong máy ALIVA tới đầu vòi để kết hợp với nước tạo thành dòng BT bắn ra khỏi vòi tới mặt mái dốc với vận tốc 75- 150m/s tương đương 270 - 540km/h làm cho BT bám chặt vào mặt địa tầng, chui vào các khe hở, cố kết các khối rời rạc làm cho mặt địa tầng vững chắc.
Công nhân cầm vòi phun di chuyển cho dòng BT chạy theo hình e líp trên mặt gia cố, hướng phun từ trên xuống dưới. Vòi phun phải vuông góc với bề mặt gia cố hay trong phạm vi không quá 15 độ. Khoảng cách từ đầu vòi phun đến mặt gia cố tốt nhất là từ 1 - 1,7m. Lượng nước cấp vào vòi phun điều chỉnh bằng van tại đầu vòi phun quan sát BT thấy lớp vật liệu phun có nước láng ướt trên bề mặt là bê tông vừa đủ ướt, chớm chảy sệ. Khi ngừng phun, thực hiện theo trình tự khóa van cấp nước, đóng van khí nén từ nguồn cấp, tắt máy phân phối liệu, hạ vòi và ống dẫn xuống.
Đối với kết cấu hoàn thiện bề mặt, sau khi phun đạt độ dày cần thiết dùng thước gạt phẳng sơ bộ, sau đó tiến hành trát ngay các chỗ lõm không đủ chiều dày. Đối với lớp đệm sau khi phun đạt yêu cầu phải tiến hành cắm ngay các cốt thép định vị lưới thép khi BT còn ướt. Công việc này nên làm đồng thời với công việc phun BT, có nghĩa là phun BT đạt chiều dày đến đâu thì cắm neo định vị lưới thép đến đó. BT sau khi phun xong và trát hoàn thiện tiến hành ngay công việc bảo dưỡng bằng bơm tưới nước dạng sương mù trong vòng 7 ngày.
Với khối lượng khoảng 4700 m2 của cả 3 hạng mục (35, 36, 41b), hiện việc áp dụng công nghệ cho công trình Gia cố đường sắt khu vực đèo Hải Vân đã đạt được 50%, phấn đấu đến cuối tháng 9/2009 sẽ hoàn thành, có nghĩa là sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão để đảm bảo ATCT - ông Hải nói.
xaydungvietnam.vn- Theo Bài, ảnh: Dương Hằng Nga (Báo GTVT online)
0 comments:
Post a Comment